Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

CỐ SOẠN GIẢ - NGHỆ SĨ ĐỨC PHÚ

Soạn giả ĐỨC PHÚ


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc dòng dõi hát bội và hồ quảng, nghệ sĩ Đức Phú đã được cha là ông bầu Thắng và các anh là Nghệ sĩ Minh Tơ - Nghệ sĩ Khánh Hồng .... dẫn dắt vào nghề từ lúc mới 12 tuổi.

Ngày xưa, tại đình Thái Hưng, Cầu Quan ( thuộc đường Yesin, Sài Gòn ) nằm phía sau 1 rạp hát nho nhỏ có tên là Diên Hồng. Hàng đêm, người dân thành phố Sài Gòn nhất là những người lao động và những ông bà cụ mê hát bội và hồ quảng thường đến đây để thưởng thức những vở hát bội như : Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, Thất hiền quyến, Phàn Lê Huê...... là những vở tuồng cổ hầu như đến tận bây giờ khi nhắc lại, các cụ ông cụ bà sẽ hẳn không quên những gương mặt quen thuộc với ánh đèn sân khấu hát bội của ngày xưa như : cô bảy Sự, bà bảy Phùng Há..... Đó là là những tên tuổi đã thực sự làm nên những trang sử về sân khấu hát bội, hồ quảng, cải lương cho đến ngày hôm nay người dân của thành phố Sài Gòn hẳn vẫn còn nhớ mãi.

Trong đó có 1 cậu bé nhỏ con nhưng có gương mặt sáng sủa, lanh lợi thông minh trong đoàn hát của cha mình ( bầu Thắng ). Mỗi khi ánh đèn sân khấu sáng lên, cậu ta được hóa trang sắm vai khi thì là quân sĩ, khi thì là cậu bé Qúach Hải Thọ ( trong vở tuồng Bao Công tra án Qúach Hòe )..... Có những đêm không có vai diễn thì cậu ta lại lân la cận kề bên ban nhạc để đánh trống chầu, hay tập hát hò những lúc rảnh rỗi. Đó là Nghệ sĩ Đức Phú.

Vì gia đình toàn là những người nổi tiếng về nghệ thuật hát bội và cải lương hồ quảng như nghệ sĩ Minh Tơ ( anh ba ), nghệ sĩ Khánh Hồng ( anh tư ), nghệ sĩ Đức Phú đã thừa hưởng những gì được gọi là di truyền dòng máu nghệ thuật thêm với sự thông minh với nghề cha truyền con nối, ông đã không ngần ngại trao dồi và học hỏi những kinh nghiệm để phát phát huy những tài năng mà ông đã cống hiến cho xã hội, những vở hồ quảng mà cho đến tận bây giờ mà khi nhắc đến, mọi người đều khảng định đó là của Nghệ sĩ, Nhạc sĩ ĐỨC PHÚ.
Năm 1962, khi nền tảng sân khấu cải lương của Việt Nam lúc bấy giờ có phầnảnh hưởng đến 1 số vở ca kịch của Đài Loan, do những vũ đạo ca từ, nhạc nền rất tình cảm lại gần gũi với phong cách tình cảm của người dân Việt Nam. Ông đã không ngần ngại dựa theo những thiên tình sử làm cảm động lòng người, thức trắng ngày đêm bên cạnh có thêm sự giúp sức của vợ con ( ca sĩ Hồng Loan ), nghệ sĩ Đức Phú đã đưa lên sân khấu kịch bản đầu tay trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông, vở ca kịch hồ quảng : LƯƠNG SƠN BÁ - CHÚC ANH ĐÀI.
Ánh đèn sân khấu rạp Hào Huê ( Đồng Khánh Chợ lớn ) đêm mùa hè năm ấy, người dân Sài gòn, Chợ lớn háo hức đến rạp đông như trẩy hội phần đông là người Hoa kiều, họ rất lấy làm ngạc nhiên và hãnh diện vì tên của vở hồ quảng lại là tên của 1 thiên tình sử của nước họ nay lại được chuyển thể sang hồ quảng của Việt Nam " LƯƠNG SƠN BÁ - CHÚC ANH ĐÀI "]

Thành phần diễn viên thời ấy được phân vai như sau :

Nghệ sĩ Đức Phú trong vai Lương Sơn Bá

Nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Chúc Anh Đài

Nghệ sĩ Bửu Truyện trong vai Mã văn Tài

Nghệ sĩ Phượng Liên trong vai Ngân Tâm
...và những nghệ sĩ tên tuổi khác đã nổi tiếng một thời mà đến thời điểm này, đã có một số nghệ sĩ định cư ở nước ngoài hay đã khuất.
Cuối đêm diễn, tiếng vỗ tay như không dứt với những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng và những vòng tay thân ái xiết chặt như không muốn rời xa những Sơn Bá, Anh Đài, Mã văn Tài, Ngân Tâm, Tứ Cửu ......và trong đó có những giọt nước mắt lăn dài trên những gương mặt thân thương của người Nghệ sĩ thành công trong vở diễn đầu tiên trên sân khấu hồ quảng hiện đại thời bấy giờ của Việt Nam dựa trên nền tảng của ca nhạc kịch Đài Loan. Thiên tình sử LƯƠNG SƠN BÁ -CHÚC ANH ĐÀI. NGHỆ SĨ ĐỨC PHÚ.

Không dừng lại ở đó, Nghệ sĩ Đức Phú đã chỉnh sửa về nghệ thuật vũ đạo, phối âm nhạc nền cho hay hơn và hoàn chỉnh hơn trong kịch bản để dựng thành phim Video vào năm 1989 và đã tạo thêm sự nổi tiếng hơn cho lớp Nghệ sĩ trẻ như : Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm...... mà ông đã kiêm nhiệm Kịch bản - Đạo diễn - Âm nhạc đều mang một tên Nghệ sĩ Đức Phú.
Ngoài kịch bản Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, ông còn cho ra đời thêm những kịch bản như:
- Vương Thúy Kiều với tác giả Quy Sắc tập Trăng thề vườn Thúy
- Má hồng phận bạc
- Cung Thương sầu nguyệt hạ
- Thanh xà Bạch xà
- Xa phu đi sứ ( phỏng theo truyện Kinh Kha sang Tần )
- Dương Gíac Ai - Tả Bá Đào
- Ỷ Lan Hoàng hậu
- Đắc Kỷ
.....và đến năm 1993, trong khi đang hoàn tất phần cuối của kịch bản Đắc Kỷ. Ông bị tai biến mạch máu não và đột ngột ra đi tại nhà riêng vào mùng 3 Tết tại đường Trần Hưng Đạo, Quận I trong nỗi cô đơn vì bên cạnh không có người thân....

* Hồi ký về người cha của Nguyễn Chinh Nhân, con trai cố Nghệ sĩ Đức Phú.

XA PHU ĐI SỨ

XA PHU ĐI SỨ - Tác giả kịch bản : Cố Soạn giả ĐÚC PHÚ
NSƯT VŨ LINH – MÃI MÃI MỘT TRỊNH NGỌC ĐƯỜNG

35 năm trước, khi còn là cậu bé chưa đầy 10 tuổi, tôi đã theo ba đến rạp Hưng Đạo xem hát, đó cũng là lần đầu tiên tôi hội ngộ cùng anh – Trịnh Ngọc Đường của Xa phu đi sứ, qua diễn xuất của NS Vũ Linh. Cuộc hội ngộ giữa một khán giả – là tôi với nhân vật trong vở tuồng màu sắc đó đã để lại ấn tượng sâu đậm và Trịnh Ngọc Đường cũng là một trong những vai diễn tôi yêu mến nhất trong suốt 35 năm dõi theo bước đường nghệ thuật của người nghệ sĩ mà mình yêu quý. Khỏang một năm sau, Xa phu đi sứ được thực hiện khi phong trào video cải lương bùng nổ. Thời đó gia đình khó khăn, ở nhà, hễ mỗi lần bật lên vở video Xa phu đi sứ trên màn ảnh trắng đen là bà con hàng xóm đứng ngòai hành lang, bắt ghế lên cao để xem Trịnh Ngọc Đường - Vũ Linh.......
Biết được niềm đam mê của con trai, ba tôi ( Nghệ sỹ Đức Phú ) chắt chiu từng đồng lương eo hẹp, mua lại chiếc tivi màu THOMSON của người bạn, thuê đầu máy video và lấy vở tuồng Xa phu đi sứ mà lúc thời ấy, ba tôi vừa là Soạn giả kịch bản....vừa là Đạo diễn mà cũng là diễn viên thủ vai Quân Sư để tôi xem lại. Cuốn băng video Xa phu đi sứ đó cũng chính là món quà vô giá đầu tiên tôi có được trong hành trình sưu tầm hình ảnh, băng từ liên quan đến người cha mà tôi yêu mến.

Thời gian trôi qua nhanh, 30 năm sau, tôi lại tái ngộ Trịnh Ngọc Đường trên sân khấu Hội Ngộ Tài Năng. Chàng Xa phu của ba tôi ngày nào đã “già” thêm những 30 tuổi, nhưng lạ thay, nét diễn trầm tĩnh, sự thông minh thể hiện qua từng ánh mắt, nụ cười, nhất là giọng nói đầy thuyết phục, tiếng hát ngọt ngào trong màn đối đáp với vua tôi nhà Tần đang vào độ “chín”. Thời gian đã đem đến cho Vũ Linh nhiều vai diễn mới nhưng Trịnh Ngọc Đường dường như chưa bao giờ tách rời khỏi Vũ Linh, từng câu đối đáp với vua Tần khi đi sứ, thái độ đĩnh đạc, trầm tĩnh khi trở về quê nhà, trong lớp áo Xa phu hội ngộ cùng dưỡng phụ ( lúc ấy khi anh Bửu Truyện còn sống thủ vai ), nhận tội bất hiếu cho dù bây giờ Trịnh Ngọc Đường đã là phò mã đương triều nhà Triệu. Trịnh Ngọc Đường của Vũ Linh không chỉ đẹp qua nét diễn, lời ca mà anh còn thể hiện được thần khí của nhân vật – một chàng xa phu nghèo khổ nhưng có trí tuệ và bản lĩnh của con dân nhà Triệu, tôi tin chắc với thế hệ đàn em đi sau của giới nghệ thuật cải lương.....khó có được 1 hình ảnh của 1 Trịnh Ngọc Đường ngày ấy.
.......35 năm, thời gian trôi nhanh như cơn gió, tôi từng nghe một người bạn đánh giá rằng có thể Vũ Linh không còn thích hợp với Trịnh Ngọc Đường như thuở ban đầu, nhưng tôi tin tưởng rằng anh và Trịnh Ngọc Đường gần như đã hòa làm một, một khi anh trình diễn Xa phu đi sứ. Có thể trong tương lai, Trịnh Ngọc Đường sẽ trở thành vai diễn nổi bật của một nghệ sĩ nào đó thuộc thế hệ sau anh, nhưng trong lòng tôi, 35 năm hay thời gian có nhiều bao nhiêu đi nữa, anh mãi mãi là một Trịnh Ngọc Đường hay nhất. Tình yêu tôi dành cho anh – NSƯT Vũ Linh hay vai diễn Trịnh Ngọc Đường trong kịch bản Xa phu đi sứ của Cố soạn giả ĐỨC PHÚ sẽ vẫn nguyên vẹn, tràn đầy như những ngày xưa ấy.

....được viết vào những ngày đầu năm khi HTV đang bấm những thước phim đầu tiên, chuẩn bị công chiếu trên truyền hình.
San Jose - 12/03/2010
Chinh Nhân ( con trai cố soạn giả ĐỨC PHÚ )